Interactions

May 24, 2007

Chia sẻ

Filed under: Truyện net — Lâm Ngọc Linh @ 4:39 pm

timtrencat.jpg 

 
      Helen là một phụ nữ hoàn hảo. Bao giờ cô cũng chăm chút cho vẻ đẹp bên ngoài của mình ở mức 10/10. Thật khó có thể trông thấy cô lúc mới ngủ dậy, chưa làm vệ sinh hay ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Helen yêu một người đàn ông và cả hai dự định tiến tới hôn nhân. Theo như Helen kể thì anh ấy là một doanh nhân giàu có và có óc sáng tạo. Ngoài ra, anh cũng là con người tuyệt vời: dễ thương, thông minh, trung thực, thủy chung và có óc hài hước. Anh chỉ có một khuyết điểm duy nhất: thiếu “lửa”. Helen nói với bạn:
     – Cậu có tin không? Anh ấy luôn xin phép tớ trước khi hôn.
     Cuộc sống lứa đôi của họ dễ chịu nhưng nhàm chán, vì vậy mà Helen vẫn đang trù trừ chưa biết có nên kết hôn với anh ấy hay không. Nhưng mọi việc đã thay đổi từ một cơn động đất khủng khiếp ở trung tâm thương mại. Helen đang mua sắm quần áo thì chấn động xảy ra. Đèn đóm tắt ngúm, tòa nhà rung chuyển dữ dội quăng Helen té nhào xuống đất. Trong bóng tối, Helen nghe tiếng kính vỡ loảng xoảng, tiếng đất đá rơi trên đầu mình và những tiếng kêu thét. Khi cơn địa chất chấm dứt, Helen cùng vài người khác tìm cách xuống lầu và ra khỏi tòa nhà.
     Ra tới đường, Helen mới nhận ra mình đang mặc trên người bộ áo đắt tiền đang thử ở cửa hàng, mang giày cao gót và ví đã bị mất kéo theo chiếc chìa khóa xe. Vốn là người độc lập, chưa từng nhờ ai giúp đỡ, cô quyết định đi bộ về nhà. Trên đường là những đống đổ nát, lởm chởm đất đá, các vũng nước chảy tràn lan khắp nơi. Nửa đêm, cô về đến nhà với bộ dạng dơ dáy, ướt lướt thướt, chân không giày, đầu bù tóc rối. Helen gọi cửa và người yêu của cô ra mở. Trước đây, chưa bao giờ anh nhìn thấy cô trong bộ dạng này. Anh nhìn cô, ôm chầm lấy và hôn cô say đắm.
     Hai người đã chính thức kết hôn kể từ đêm hôm ấy. Và dù là người phụ nữ rất thông minh, Helen vẫn không hiểu tại sao chồng sắp cưới lại có thể nồng nhiệt với mình như vậy.
     Trong lòng mọi tình cảm thầm kín luôn tồn tại sự yếu mềm. Vì vậy, xin mượn câu nói của Dinah Shore để kết lại câu chuyện này: “Yếu đuối là một phần tất yếu của cuộc sống. Và nếu bạn không chia sẻ nó, bạn đã không cho người khác cơ hội được yêu thương bạn thực sự”

(Sưu tầm)

Sang thu

Filed under: Mê thơ — Lâm Ngọc Linh @ 5:15 am

falltree.jpg 

Hữu Thỉnh

              Bỗng nhận ra hương ổi
              Phả vào trong gió se
              Sương chùng chình qua ngõ
              Hình như thu đã về

              Sông được lúc dềnh dàng
              Chim bắt đầu vội vã
              Có đám mây mùa hạ
              Vắt nửa mình sang thu

              Vẫn còn bao nhiêu nắng
              Đã vơi dần cơn mưa
              Sấm cũng bớt bất ngờ
              Trên hàng cây đứng tuổi

Con sông đâu có ngờ…

Filed under: Hãy đến với sách — Lâm Ngọc Linh @ 4:21 am

conduong.gif 

BS Đỗ Hồng Ngọc
     

     Tôi nhớ một câu chuyện của Tagore. Chuyện kể rằng xưa có một người lái buôn thường đi buôn những chuyến xa nhà. Anh bỏ người vợ trẻ ở nhà mòn mỏi đợi trông. Như để chuộc lại những hờ hững của mình, lần này anh hỏi nàng muốn anh mua món gì cho nàng lúc trở về. Nàng lẳng lặng chỉ vầng trăng non cong vút đang vắt trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Anh ghi nhớ và hứa chắc sẽ mua cho nàng món quà đó dù giá có đắt đến bao nhiêu. Thế rồi ngày tháng trôi qua, trước ngày trở về, anh nhớ lời hứa với vợ, đã nhìn lên bầu trời trong xanh kia, vầng trăng kia, và thế là anh mua cho nàng một chiếc gương tròn, nạm những hạt kim cương lộng lẫy. Hí hửng tưởng nàng sẽ sướng vui, nhưng thật là bất ngờ, nàng nhìn chiếc gương tròn đắt giá kia mà cứ khóc mãi. Thì ra, nàng đâu có cần gương, nàng cần lược, một cái lược cài đầu cong vút như mảnh trăng non thượng tuần xinh xắn nọ. Trăng đã già lúc nào đó vậy?
     Một người già bao giờ cũng có một người già hơn. Cho nên lúc nào già thì thật là khó biết. Thế nhưng chớm già thì có thể biết được. Những thay đổi về sinh lý có thể giúp ta nhận ra, dù sớm hay muộn, dù có thể quyết liệt hay khéo léo chối từ thì nó cũng cứ hiện ra ngay trước mắt. Tây chắc sướng hơn ta. Cái ngôn ngữ của Tây ngôi thứ hai có một, còn ta thì dễ nhận ra khi người ta gọi mình bằng anh thân mật, rồi bằng chú lạnh nhạt, bằng bác kính mến, rồi bằng cụ… thương hại, lúc đó có trốn cũng không thoát. Dĩ nhiên có trường hợp đáng là chú rồi mà vẫn được gọi bằng anh nguy hiểm, đến nỗi ca dao thời đại có câu “Xin đừng gọi chú bằng anh, để cho chú phải hy sanh cuộc đời”. Như đã nói, trước đây tuổi thọ người Việt Nam rất thấp nên ít có người kịp nhận ra tuổi chớm già của mình. Một Nguyễn Khuyến cảm khái “Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay” là khi mới gần năm mươi. Một Hồ Xuân Hương thảng thốt “Cái già xồng xộc nó thì theo sau…” lúc bà hẳn chưa tới bốn mươi. Ngày nay, tuổi thọ trung bình của chúng ta đã tăng rõ rệt, và còn gia tăng trong thời gian tới. Các nhà chuyên môn cho rằng tuổi chớm già, ấy là lứa tuổi từ bốn mươi đến sáu mươi thì… già thiệt rồi, hết chối cãi rồi! Giai đoạn chớm già thực sự là ở lứa tuổi từ bốn mươi đến năm mươi, còn từ năm mươi phải gọi là tuổi đã… quá chớm già. Do tuổi thọ gia tăng như vậy, con người phải sống với lứa tuổi chớm già này một thời gian cũng hơi dài, ít ra cũng chừng hai mươi năm, với rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, quan hệ xã hội và không ít những vấn đề bệnh lý, mà nhiều khi thiếu chuẩn bị hoặc né tránh, ta có thể gặp những tình huống không hay. Nền văn minh nông nghiệp an lành bên lũy tre xanh ngày nay còn bị hất tung lên với tiếng nhạc xập xình của karaoke, với các loại phim ảnh… xô con người vào những nếp sống xa lạ. Người phụ nữ ngày càng tham gia vào xã hội, ngày càng nhiều người chọn nếp sống độc thân, lo cho công danh sự nghiệp hơn là an phận với cuộc sống gia đình như ngày xưa, trong một môi trường đầy cám dỗ và cạnh tranh cũng gặp phải những hoàn cảnh như người phụ nữ phương Tây hiện nay ở tuổi chớm già, vừa có những khó khăn về tâm sinh lý vừa có những khó khăn về xã hội phải tự điều chỉnh và thích nghi.
     Tuổi chớm già, ấy là tuổi của chuyển tiếp, của lúng túng, hoang mang, tuổi của những stress, của những lo âu và phiền muộn, của những mối hiểm nguy rình rập về sức khỏe, về quan hệ gia đình, xã hội… đồng thời tuổi chớm già cũng là tuổi của thành tựu, của thành đạt, của cương vị và uy tín trong xã hội. Cái người ta dễ thấy nhất là những thay đổi sinh lý: hết khả năng sinh sản, giảm đời sống tình dục. Rồi luyến tiếc dĩ vãng, nhớ cái thuở trẻ trung, cái thời nhan sắc. Một nỗi buồn man mác chợt đến dù không nói ra, dù gắng gượng quên đi… những khi “chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay…”

 

(Gió heo may đã về, NXB Văn Nghệ TPHCM 1997)

Gió heo may đã về

Filed under: Hãy đến với sách — Lâm Ngọc Linh @ 3:23 am

cayto.gif 

BS Đỗ Hồng Ngọc

Tùy bút viết cho tuổi chớm già

     Nhưng thật ra già là gì, lúc nào thì già, lúc nào thì chớm già, sắp già, mới già, đã già. Có tuổi nào là tuổi “hườm hườm” chăng? Một người bạn ở tuổi hườm hườm hỏi, sao, ông bác sĩ, ông đã viết nào cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, nào cho tuổi mới lớn, sao không viết cho một chút gì đó cho tuổi sắp già, tuổi hườm hườm, tuổi xế bóng, tuổi gió heo may đã về xem sao. Tôi lần lữa hẹn. Phải già một chút nữa cho biết đã rồi mới dám viết phải không?
     Không như nhà thơ nọ đo tuổi mình qua ánh mắt cố nhân, tôi đo tuổi mình qua cách xưng hô của các bà mẹ bế con đến khám bệnh. Trước đây họ gọi tôi bằng anh, sau gọi bằng chú, rồi bằng bác, và rồi mới đây thôi, một chị hãy còn rất trẻ đưa bé đến khám bệnh, lúc bé la khóc, chị dỗ nín đi, nín đi cho ông ngoại khám con, thì tôi mới biết mình đã lên đến ông ngoại rồi mà không hay. Tôi hỏi theo thói quen chị là gì của cháu, chị trả lời ngon ơ, dạ, bà ngoại. Nhìn ngắm mình, nhìn ngắm bạn bè mình mới bật cười cái “Ôi cát bụi tuyệt vời” mà thầm cám ơn anh bạn nhạc sĩ họ Trịnh đã nói giùm mình nhiều quá. Một người bạn nghe, bảo này đừng có mà hù doạ người ta đó nghe, đừng có làm cho người ta sợ hãi, làm cho người ta thấy ra sự thật phũ phàng đó nghe… Còn một người bạn khác thì khuyên cứ nói rõ ra, thà biết trước còn hơn, biết trước để chuẩn bị tâm lý và để thích nghi, để điều chỉnh. Phải, chấp nhận, thích nghi, điều chỉnh như dòng sông kia vẫn đứng im mà chảy mãi, biết thích nghi, tự điều chỉnh mình qua bao thác ghềnh để nhập vào biển khơi. Khả năng thích nghi, điều chỉnh ấy là khả năng của một sức khoẻ lành mạnh, xứng đáng cho một tuổi già lành mạnh, cho nên, không phải cứ chờ thật già mới viết cho tuổi chớm già, mà ngay giờ đây vừa gậm nhấm nó, vừa rình rập nó, quan sát nó và ghi lại, không phải nó chỉ là mình mà là của tất cả bạn bè chung quanh rồi sắp xếp lại, biết đâu mua vui cũng được một vài trống canh như người xưa đã nói.
     Vậy, hỡi những người bạn yêu qúi của tôi, xin hãy vui với những dòng chữ chân tình này, và nếu có bực mình thì cứ tự nhủ làm gì có, hù doạ đó thôi…. Còn nếu có bắt gặp hình ảnh chính mình trong những dòng chữ này thì cũng hãy mỉm cười mà thứ lỗi…
     Vì sáng hôm nay, một chút gió heo may đã về, những chiếc lá vàng đã rơi lác đác trên những con đường thành phố, một mùi gió bấc quen thuộc đã len vào giữa những hàng cây….

(Gió heo may đã về, NXB Văn nghệ TPHCM 1997)

Blog at WordPress.com.