Interactions

May 24, 2007

Con sông đâu có ngờ…

Filed under: Hãy đến với sách — Lâm Ngọc Linh @ 4:21 am

conduong.gif 

BS Đỗ Hồng Ngọc
     

     Tôi nhớ một câu chuyện của Tagore. Chuyện kể rằng xưa có một người lái buôn thường đi buôn những chuyến xa nhà. Anh bỏ người vợ trẻ ở nhà mòn mỏi đợi trông. Như để chuộc lại những hờ hững của mình, lần này anh hỏi nàng muốn anh mua món gì cho nàng lúc trở về. Nàng lẳng lặng chỉ vầng trăng non cong vút đang vắt trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Anh ghi nhớ và hứa chắc sẽ mua cho nàng món quà đó dù giá có đắt đến bao nhiêu. Thế rồi ngày tháng trôi qua, trước ngày trở về, anh nhớ lời hứa với vợ, đã nhìn lên bầu trời trong xanh kia, vầng trăng kia, và thế là anh mua cho nàng một chiếc gương tròn, nạm những hạt kim cương lộng lẫy. Hí hửng tưởng nàng sẽ sướng vui, nhưng thật là bất ngờ, nàng nhìn chiếc gương tròn đắt giá kia mà cứ khóc mãi. Thì ra, nàng đâu có cần gương, nàng cần lược, một cái lược cài đầu cong vút như mảnh trăng non thượng tuần xinh xắn nọ. Trăng đã già lúc nào đó vậy?
     Một người già bao giờ cũng có một người già hơn. Cho nên lúc nào già thì thật là khó biết. Thế nhưng chớm già thì có thể biết được. Những thay đổi về sinh lý có thể giúp ta nhận ra, dù sớm hay muộn, dù có thể quyết liệt hay khéo léo chối từ thì nó cũng cứ hiện ra ngay trước mắt. Tây chắc sướng hơn ta. Cái ngôn ngữ của Tây ngôi thứ hai có một, còn ta thì dễ nhận ra khi người ta gọi mình bằng anh thân mật, rồi bằng chú lạnh nhạt, bằng bác kính mến, rồi bằng cụ… thương hại, lúc đó có trốn cũng không thoát. Dĩ nhiên có trường hợp đáng là chú rồi mà vẫn được gọi bằng anh nguy hiểm, đến nỗi ca dao thời đại có câu “Xin đừng gọi chú bằng anh, để cho chú phải hy sanh cuộc đời”. Như đã nói, trước đây tuổi thọ người Việt Nam rất thấp nên ít có người kịp nhận ra tuổi chớm già của mình. Một Nguyễn Khuyến cảm khái “Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay” là khi mới gần năm mươi. Một Hồ Xuân Hương thảng thốt “Cái già xồng xộc nó thì theo sau…” lúc bà hẳn chưa tới bốn mươi. Ngày nay, tuổi thọ trung bình của chúng ta đã tăng rõ rệt, và còn gia tăng trong thời gian tới. Các nhà chuyên môn cho rằng tuổi chớm già, ấy là lứa tuổi từ bốn mươi đến sáu mươi thì… già thiệt rồi, hết chối cãi rồi! Giai đoạn chớm già thực sự là ở lứa tuổi từ bốn mươi đến năm mươi, còn từ năm mươi phải gọi là tuổi đã… quá chớm già. Do tuổi thọ gia tăng như vậy, con người phải sống với lứa tuổi chớm già này một thời gian cũng hơi dài, ít ra cũng chừng hai mươi năm, với rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, quan hệ xã hội và không ít những vấn đề bệnh lý, mà nhiều khi thiếu chuẩn bị hoặc né tránh, ta có thể gặp những tình huống không hay. Nền văn minh nông nghiệp an lành bên lũy tre xanh ngày nay còn bị hất tung lên với tiếng nhạc xập xình của karaoke, với các loại phim ảnh… xô con người vào những nếp sống xa lạ. Người phụ nữ ngày càng tham gia vào xã hội, ngày càng nhiều người chọn nếp sống độc thân, lo cho công danh sự nghiệp hơn là an phận với cuộc sống gia đình như ngày xưa, trong một môi trường đầy cám dỗ và cạnh tranh cũng gặp phải những hoàn cảnh như người phụ nữ phương Tây hiện nay ở tuổi chớm già, vừa có những khó khăn về tâm sinh lý vừa có những khó khăn về xã hội phải tự điều chỉnh và thích nghi.
     Tuổi chớm già, ấy là tuổi của chuyển tiếp, của lúng túng, hoang mang, tuổi của những stress, của những lo âu và phiền muộn, của những mối hiểm nguy rình rập về sức khỏe, về quan hệ gia đình, xã hội… đồng thời tuổi chớm già cũng là tuổi của thành tựu, của thành đạt, của cương vị và uy tín trong xã hội. Cái người ta dễ thấy nhất là những thay đổi sinh lý: hết khả năng sinh sản, giảm đời sống tình dục. Rồi luyến tiếc dĩ vãng, nhớ cái thuở trẻ trung, cái thời nhan sắc. Một nỗi buồn man mác chợt đến dù không nói ra, dù gắng gượng quên đi… những khi “chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay…”

 

(Gió heo may đã về, NXB Văn Nghệ TPHCM 1997)

Leave a Comment »

No comments yet.

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.